Hành động sớm dựa trên Cảnh báo để phòng ngừa Rủi ro thiên tai: Bài học kinh nghiệm và khuyến nghị

Thông tin báo chí
22 Tháng Ba 2023

Hà Nội, ngày 16-17 tháng 03 năm 2023. Cục quản lý Đê điều và Phòng, chống Thiên tai, Văn phòng Đối tác Giảm thiểu Rủi ro Thiên tai phối hợp với CARE Quốc tế tại Việt Nam, Plan International Việt Nam và World Vision Việt Nam tổ chức hội thảo chia sẻ các bài học kinh nghiệm và khuyến nghị liên quan tới mô hình Hành động sớm dựa trên cảnh báo để phòng ngừa rủi ro thiên tai. Hội thảo được tổ chức trong khuôn khổ hoạt động của dự án “Hành động sớm dựa trên cảnh báo mang tính Toàn diện và Đáp ứng Giới nhằm Tăng cường Hiệu quả của Công tác Phòng ngừa Thiên tai” (FBEA-SEA) do Cơ quan Viện trợ Nhân đạo và Bảo vệ Dân sự – Ủy ban Châu Âu (ECHO) hỗ trợ tài chính và thực hiện bởi liên minh ba tổ chức và đối tác.

Human, Conference
Các diễn giả trong buổi hội thảo

Tham dự hội thảo có đại diện Cục quản lý Đê điều và Phòng, chống thiên tai, đại diện các bộ Kế hoạch và Đầu tư, Lao động – Thương binh và Xã hội, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Trung ương Hội Chữ thập đỏ, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, đại diện một số địa phương, ban quản lý dự án và đại diện từ các tổ chức quốc tế.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những nỗ lực để cứu trợ và phục hồi cuộc sống hậu thiên tai thường tốn kém chi phí cũng như đòi hỏi nhiều nỗ lực kịp thời, thay vì giải ngân sau khi thiên tai diễn ra, cơ chế hành động sớm ưu tiên giải ngân sớm cho hộ gia đình và cộng đồng dễ bị tổn thương dựa trên trên ngưỡng kích hoạt cảnh báo do các nhà khoa học đưa ra. Việc sử dụng các nguồn lực hỗ trợ nhân đạo khi đó sẽ hiệu quả hơn nhiều cũng như cùng lúc nâng cao khả năng chống chịu của cộng đồng trước thiên tai.

Human, Conference
Hình ảnh từ buổi hội thảo

“Hành động sớm là một khái niệm mới, nhưng về bản chất các hoạt động trong giai đoạn phòng ngừa, ứng phó trước thiên tai mà các cơ quan trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai đã và đang làm cũng là hành động sớm. Tuy nhiên, các hoạt động hỗ trợ trực tiếp cho các hộ gia đình, đặc biệt là các hộ gia đình dễ bị tổn thương, nhằm nâng cao sự chủ động trong phòng ngừa ngay trước khi thiên tai xảy ra chưa được quan tâm đúng mức, khiến nỗ lực để cứu trợ và phục hồi cuộc sống hậu thiên tai thường tốn kém chi phí và thời gian cũng như đòi hỏi nhiều nỗ lực kịp thời” bà Đoàn Thị Tuyết Nga, Chánh văn phòng, đại diện Văn phòng Đối tác Giảm nhẹ Rủi ro Thiên tai cho biết.

Hành động sớm dựa vào cảnh báo là một phương pháp tiếp cận có những yếu tố mới trong quản lý rủi ro thiên tai nhằm giảm thiểu các tác động của thiên tai đến các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương và tăng cường khả năng phòng ngừa, ứng phóvới thiên tai thông qua việc tiếp cận với các nguồn lực tài chính cho hành động sớm. Hiện tại, trên thế giới đã có 53 quốc gia đã triển khai các chương trình hành động sớm dựa trên cảnh báo.

Tại Việt Nam, phương pháp tiếp cận này còn tương đối mới và gần đây đã được CARE, Plan International và World Vision ứng dụng trong việc triển khai hoạt động của dự án FBEA-SEA với lũ lụt tại Quảng Trị và nắng nóng tại Bình Thuận.

Qua 21 tháng thực hiện các hoạt động thực địa, dự án đã hỗ trợ 536 hộ gia đình tiền mặt cũng như các phương tiện để triển khai các hoạt động chuẩn bị, phòng tránh rủi ro thiên tai. Bên cạnh đó, bốn ban chỉ huy phòng tránh thiên tai và phòng tránh cứu nạn và đội xung kích tại bốn xã thụ hưởng dự án đã được hỗ trợ phương tiện để triển khai các hoạt động ứng phó, cứu hộ thực tế tại hiện trường. Bộ quy chuẩn hoạt động kích hoạt hành động phòng tránh rủi ro thiên tai dựa vào cảnh báo của dự án cũng được biên soạn, hoàn thiện và đưa vào thực tế triển khai tại địa bàn và đang được thảo luận thống nhất cùng với tổ chức FAO.

“Xuất phát từ các quan sát và nghiên cứu qua thời gian làm việc với các đối tác trên địa bàn dự án ở Quảng Trị, chúng tôi thấy được sự cần thiết và hiệu quả khi triển khai các hoạt động phòng chống tác động và rủi ro thiên tai từ sớm. Vấn đề đặt ra đối với người dân và các cấp chính quyền ở địa phương là nguồn lực để triển khai các hoạt động này cần huy động theo phương thức nào cũng như cơ chế hành động giữa các tác nhân liên quan như cơ quan chuyên trách của nhà nước, các tổ chức dân sự và bà con trong cộng đồng cần được thống nhất, diễn tập và triển khai hiệu quả ra sao”, phát biểu tại sự kiện, bà Nguyễn Thị Yến, cố vấn mảng hoạt động quản lý rủi ro thiên tai của CARE Quốc tế tại Việt Nam cho biết.

Đánh giá cuối dự án cũng chỉ ra một số thành tựu và bài học kinh nghiệm liên quan tới các hoạt động đã được triển khai, bao gồm:

  • Hành động sớm có thể cứu mạng sống và ngăn ngừa thiệt hại: Bằng cách sử dụng phương pháp tiếp cận hỗ trợ tài chính cho hành động sớm dựa trên cảnh báo – FbEA, các cộng đồng dễ bị tổn thương có thể hành động trước khi thiên tai xảy ra vd. Tỉ lệ số hộ thực hiện 3 hành động sớm trở lên tăng từ 50,5% đầu kỳ lên 72% vào cuối kỳ dự án, giảm thiểu tác động của lũ lụt và hạn hán cũng như cứu sống nhiều người.
  • FbEA có thể tiết kiệm tài nguyên và giảm chi phí: Bằng cách hành động sớm, chi phí ứng phó với thiên tai có thể giảm đi và các nguồn lực có thể được phân bổ hiệu quả hơn, dẫn đến tiết kiệm cho cả chính phủ và cộng đồng.
  • FbEA thúc đẩy sự sẵn sàng và khả năng thích ứng: Thông qua FbEA, các cộng đồng tăng cường hệ thống cảnh báo sớm đến tận người dân và kế hoạch dự phòng để chuẩn bị ứng phó với thiên tai, tăng cường khả năng phục hồi và khả năng ứng phó hiệu quả với các trường hợp khẩn cấp.Theo đánh giá độc lập cuối kỳ, trên 91% người dân nam và nữ cho biêt vẫn duy trì các hành động sớm vào những mùa thiên tai tới.

Bà Lê Quỳnh Lan, Quản lý Tác động Chương trình và Đối tác, tổ chức Plan International Việt Nam cho biết: “Với kinh nghiệm ngoài 80 năm làm việc tại hơn 75 quốc gia, sứ mệnh của Plan International là hỗ trợ trẻ em, thanh niên và đặc biệt là trẻ em gái vị thành niên được sinh ra, lớn lên khỏe mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần, giúp các em có thể chủ động quyết định tương lai. Việt Nam đã có rất nhiều thay đổi trong gần 30 năm với nhiều thành tựu lớn. Chúng ta tự hào trở thành đất nước có thu nhập trung bình. Đời sống của người dân ở khắp mọi miền tổ quốc được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang phải đối đầu với thách thức của biến đổi khí hậu và thiên tai hàng năm. Chúng tôi đánh giá cao tầm quan trọng của việc áp dụng triển khai phương pháp Hành động sớm dựa vào cảnh báo nhằm giảm thiểu các tác động của thiên tai đến các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương và tăng cường khả năng phòng ngừa, chuẩn bị phòng tránh rủi ro thiên tai cho chính quyền và cộng đồng. Mô hình hỗ trợ hành động sớm với lũ lụt thông qua cấp phát tiền mặt và hàng hóa cho người dân địa bàn dự án ở xã Thanh, huyện Hướng Hóa tỉnh Quảng Trị đã được phối hợp chặt chẽ thực hiện giữa tổ chức Plan, văn phòng Ban phòng chống thiên tai tỉnh Quảng Trị, Chữ thập đỏ tỉnh và chính quyền địa phương. Chúng tôi mong đợi mô hình sẽ được triển khai nhân rộng để nâng cao hiệu quả và thúc đẩy quá trình xây dựng chính sách huy động nguồn lực cho việc thực hiện Hành động sớm dựa vào cảnh báo ở Việt Nam.”

Bên cạnh những thành tựu ban đầu, báo cáo đánh giá cũng chỉ ra một số bài học kinh nghiệm và khuyến nghị hành động cho các cấp, ban ngành cũng như cộng đồng để có thể kích hoạt hiệu quả hoạt động phòng ngừa rủi ro thiên tai, cụ thể:

• Chất lượng dự báo mưa lũ đã đáp ứng nhu cầu của các bên, tuy nhiên cần tiếp tục tăng cường để nâng cao công tác phòng chống thiên tai và giảm thiểu tác động của thiên tai, đặc biệt lưu ý đến ngưỡng kích hoạt phù hợp cho địa hình cụ thể (vùng núi, vùng trũng thấp, ven biển..)

• Bộ Lao động thương binh xã hội tăng cường Khung hành động quốc gia về trợ giúp xã hội có nội dung trợ giúp xã hội khẩn cấp và hỗ trợ hành động sớm ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu. Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 78/2021/NĐ-CP quy định việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Phòng, chống thiên tai nên phát triển hướng dẫn rõ ràng về việc phân bổ tiền mặt cho những người dễ bị tổn thương trong các khu vực có rủi ro thiên tai cao trước trường hợp khẩn cấp (để có hành động sớm).

Hệ thống cảnh báo sớm bao gồm các kế hoạch ứng phó đã được thống nhất giữa chính quyền, cộng đồng và người dân, để giảm thiểu các tác động dự kiến. Một hệ thống cảnh báo sớm toàn diện cũng phải bao gồm các bài học kinh nghiệm từ các sự kiện đã xảy ra trong quá khứ, để liên tục cải thiện các biện pháp ứng phó trước các hiểm họa liên quan tới thời tiết, khí hậu, thủy văn và môi trường trong tương lai.

Tham dự Hội thảo, bà Thân Thị Hà – Giám đốc Vận hành các Chương trình, Tổ chức World Vision Việt Nam chia sẻ: “Là tổ chức lấy trẻ em làm trọng tâm, World Vision luôn tìm tòi, đào sâu và áp dụng các cách tiếp cận hiệu quả nhằm chung tay với đối tác địa phương và cộng đồng để cải thiện an sinh trẻ em một cách bền vững. Đối diện với thực tế trẻ em chính là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất khi thiên tai và các hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra, việc chưa có một hệ thống cảnh báo sớm hoạt động hiệu quả và toàn diện sẽ khiến các em phải đối mặt với các nguy cơ gây ảnh hưởng nghiêm trọng và trực tiếp lên tình trạng sức khoẻ, y tế, giáo dục, và sự an toàn của các em. World Vision vui mừng khi được trực tiếp tham gia và chứng kiến những tác động tích cực mà Dự án “Hành động sớm dựa trên cảnh báo” đã mang lại trên đời sống của người dân huyện Hàm Thuận Bắc – tỉnh Bình Thuận – nơi chúng tôi phụ trách triển khai hợp phần của Tổ chức. World Vision tin tưởng rằng thông qua Dự án này, chúng ta đang góp sức cùng Chính phủ Việt Nam để cải thiện hơn nữa cơ sở hạ tầng và năng lực ứng phó chung hướng tới giảm thiểu hiệu quả những tác động bất lợi của các hiện tượng tự nhiên, góp phần hưởng ứng kế hoạch 5 năm của Liên Hợp Quốc (công bố ngày 7.11.2022 – tại COP 27) để xây dựng một hệ thống cảnh báo sớm có quy mô toàn cầu.”

Trường hợp khẩn cấp, Biến đổi khí hậu, Quản lý rủi ro thiên tai

Share