Từ nhận thức đến hành động

Bảo vệ trẻ em khỏi bạo lực, xâm hại, và bóc lột

"Sau tập huấn, tôi hiểu rõ hơn về cơ chế báo cáo khi trẻ em bị xâm hại. Trước đây có khi tôi chỉ nghĩ báo công an hoặc chính quyền, nhưng giờ tôi biết có nhiều kênh khác nhau để can thiệp kịp thời."

Dìn, 45 tuổi, là cán bộ y tế tại xã Túng Sán
Dìn, 45 tuổi, là cán bộ y tế tại xã Túng Sán © Plan International

Dìn, 45 tuổi, là cán bộ y tế xã Túng Sán. Anh đã làm công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng nhiều năm, nhưng trước đây, anh chưa từng tham gia một buổi tập huấn nào chuyên sâu về bảo vệ trẻ em khỏi bạo lực, xâm hại và bóc lột.

Tập huấn về bảo vệ trẻ em khỏi bạo lực, xâm hại, và bóc lột

Sau bão số 3 Yagi, tổ chức Plan International Việt Nam bắt đầu hỗ trợ cho xã Túng Sán thông qua dự án “Hỗ trợ người dân phục hồi sớm sau bão số (YAGI) tại Hà Giang” do Cơ quan Viện trợ Nhân đạo và Bảo vệ Dân sự thuộc Ủy ban châu Âu (ECHO) tài trợ. Nhờ đó, anh Dìn có cơ hội tham gia những buổi tập huấn về bảo vệ trẻ em khỏi bạo lực, xâm hại, và bóc lột (PSHEA) và bảo vệ trẻ em do dự án tổ chức.


“Tôi rất ấn tượng với cách tổ chức tập huấn – không chỉ là nghe lý thuyết mà còn có hướng dẫn trực quan như viết vẽ, chỉ tay để dễ hình dung.” – anh Dìn cho biết. Những buổi tập huấn giúp anh hiểu rõ hơn về các dấu hiệu nhận biết trẻ em bị xâm hại, cũng như cách xử lý và báo cáo phù hợp.


Không chỉ dừng lại ở lý thuyết, , sau tập huấn, anh đã áp dụng ngay kiến thức vào công việc của mình. “Trước đây, khi thấy trẻ bị thương tích nghi do bạo lực, tôi chỉ nghĩ đến việc báo công an. Nhưng giờ tôi biết có nhiều kênh khác nhau như hội phụ nữ, UBND, giáo viên… để có thể can thiệp kịp thời và hỗ trợ tốt nhất cho trẻ.”


Anh cũng chủ động phối hợp với giáo viên để kiểm tra sức khỏe học sinh, đặc biệt là những em có dấu hiệu tổn thương hoặc sang chấn tâm lý sau bão. Anh cũng tích cực tuyên truyền về an toàn cho trẻ em khi thiên tai xảy ra, từ việc đảm bảo nơi ở, lương thực cho đến hỗ trợ tâm lý. “Sau thiên tai, trẻ em không chỉ cần thức ăn mà còn cần được hỗ trợ tâm lý để vượt qua những sang chấn.”

Tập huấn PSHEA xã Túng Sán
Tập huấn PSHEA xã Túng Sán © Plan International

Có cùng cảm nhận với anh Dìn, bà Lê Thị Nga – Phó Hiệu trưởng trường TH&THCS Túng Sán nhấn mạnh: “Những buổi tập huấn này đã thay đổi nhận thức của cán bộ địa phương, giáo viên nhà trường và cả nhiều phụ huynh. Trước đây, phần lớn cha mẹ chỉ lo giữ an toàn tính mạng và tài sản khi bão lũ xảy ra. Nhưng sau tập huấn, họ hiểu rằng bảo vệ con cái không chỉ là che chở về thể chất, mà còn phải quan tâm đến sự an toàn tinh thần của trẻ. Họ biết cách trấn an con khi các em hoảng sợ, lo lắng sau thiên tai, và chủ động tìm đến giáo viên, cán bộ địa phương để được hỗ trợ nếu cần.”


Điều quan trọng nhất mà anh Dìn nhận ra sau buổi tập huấn, chính là bảo vệ trẻ em không chỉ là trách nhiệm của riêng gia đình, mà là của cả cộng đồng. “Sau thiên tai, trẻ em không chỉ cần thức ăn mà còn cần được hỗ trợ tâm lý để vượt qua những sang chấn.”


“Sau thiên tai, trẻ em không chỉ cần thức ăn mà còn cần được hỗ trợ tâm lý để vượt qua những sang chấn.”

Dìn

Từ sau buổi tập huấn, anh không chỉ thay đổi cách nhìn nhận vấn đề, mà còn hành động tích cực hơn để bảo vệ trẻ em trong cộng đồng mình. “Nếu ai cũng quan tâm và biết cách can thiệp đúng lúc, trẻ em sẽ được bảo vệ tốt hơn.” – anh Dìn khẳng định.

Danh mục: Bảo vệ khỏi tình trạng bạo lực, Trường hợp khẩn cấp Thẻ: Bạo lực trên cơ sở giới, Cứu trợ thiên tai

Share