Đường xa về nhà
Bị kéo về làm vợ ngoài ý muốn khi mới 12 tuổi, Đan* quyết tâm bỏ trốn, trở về nhà và tiếp tục con đường học tập. Nhưng hành trình trở về nhà, trở về với cuộc sống của chính em đầy những gian nan thách thức.
“Em đi bộ từ sáng sớm đến 4 giờ chiều, đi hết quãng đường 20km để trốn khỏi nhà chồng” – Đan* rơi nước mắt khi kể lại hành trình ba lần thoát khỏi nhà chồng khi mới 12 tuổi.
Ước mơ tuổi thơ
Đan, 14 tuổi, sinh ra và lớn lên trong một gia đình dân tộc H’Mông ở vùng núi Hà Giang. Trong căn nhà chật hẹp, Đan vẫn lớn lên với đầy tình yêu thương của bố mẹ và anh chị. Từ nhỏ, Đan đã chăm học, ước mơ của em là được đi học, tìm hiểu về thế giới quanh mình. Em chia sẻ: “Từ bé, em đã thích học tiếng Nhật, em nghĩ đó là cơ hội để em có công việc tốt hơn, như vậy mới có thể thoát nghèo, thay đổi cuộc sống của mình và gia đình.”
Cú sốc và hành trình gian nan
Khi còn đang ở độ tuổi đến trường, Đan đã làm quen với một người bạn trai vào một dịp Tết năm em học lớp 7. Sau một thời gian nói chuyện trên mạng xã hội, Đan cảm thấy mình bắt đầu nảy sinh tình cảm với người này. Nhưng chuyện bất ngờ xảy đến trong một lần em đi chơi với bạn bè vào tháng 8 cùng năm. Trong lúc đang trò chuyện và chụp ảnh cùng các bạn, Đan không hẹn mà gặp lại người bạn trai. Chưa kịp hiểu ra chuyện gì, Đan bị anh ta lấy điện thoại và ép ngồi lên xe máy. Em không hề biết rằng mình đã bị bắt về làm vợ. Trên cả quãng đường tối tăm, Đan chỉ biết ngồi im lặng vì sợ hãi.
“Từ bé, bố mẹ chưa bao giờ nói cho em về tục kéo vợ nên khi bị bắt em đã rất hoang mang, em không hiểu chuyện gì đang xảy ra.” Đan nhớ lại.
Kéo vợ là một tập tục của người H’Mông, khi hai người muốn cưới nhau, sẽ cùng nhau lập kế hoạch để thực hiện hành động “kéo” về nhà. Khi bước qua cánh cửa nhà bạn trai, người con gái ấy sẽ được coi là vợ, và nhà chồng sẽ gửi lễ cưới về cho nhà gái. Tuy nhiên, do thiếu hiểu biết, nhiều người đã lạm dụng và biến tướng phong tục này, để ép buộc người con gái trở thành vợ cho dù không có sự đồng thuận trước từ cả hai bên. Không may, Đan là một trong vô vàn nạn nhân của hành động ấy.
Khi mới về đến nhà bạn trai, em vẫn không chịu ở lại, liên tục đòi về nhà bố mẹ. Nhưng cú sốc lớn hơn thế là khi em biết rằng bố mẹ mình đã nhận sính lễ và chấp nhận gả con gái về nhà chồng.
Nhìn xung quanh, bạn bè đồng trang lứa cũng đều lần lượt lấy chồng khi đến tầm tuổi của Đan. Với em, có lẽ đây là cuộc sống mà em dần phải học cách chấp nhận. Một cuộc sống nơi em phải thức dậy từ 4 giờ sáng để đi làm nương, nấu ăn, giặt giũ, lo toan hết công việc hằng ngày cho cả gia đình chồng. Hơn tất cả, đó là cuộc sống mà em không còn được đi học, không được đi chơi với bạn bè – cuộc sống không còn chỗ cho ước mơ tuổi thơ của em nữa.
Cuộc sống hôn nhân sau đó là chuỗi ngày của những cơn ác mộng nối tiếp. Đan liên tục bị gia đình chồng xem thường, bị bạo hành bởi chính người chồng.
Đường xa về nhà
Sau bốn tháng ở nhà chồng, Đan biết rằng mình không thể sống mãi như vậy. Trong em lần đầu tiên lóe lên hi vọng chạy trốn. Đi bộ trên con đường về nhà, em cứ nghĩ bố mẹ sẽ mừng khi thấy em trở về. Thế nhưng, Đan không ngờ rằng bố mẹ đã rất tức giận và bắt em về lại nhà chồng. Bố mẹ sợ mất mặt với mọi người trong thôn. Với người H’Mông, người “vợ” chạy trốn khỏi nhà chồng là người vợ không làm tròn bổn phận, kém cỏi và đáng hổ thẹn.
Lần thứ hai, rồi lại lần thứ ba, dẫu bỏ trốn về nhà bất thành song Đan vẫn nung nấu quyết tâm được tự do và tiếp tục ước mơ còn dang dở. Hành trình trở về với cuộc sống của chính em bắt đầu từ một đêm ngủ nhờ nhà hàng xóm để lẩn tránh gia đình chồng, len lỏi vào những đoạn đường tắt, băng qua chặng đường hai mươi cây số, và chỉ dừng lại ở nhà bà của Đan khi mặt trời đã lặn vào ngày hôm sau. Đan không dám về nhà bố mẹ và kiên quyết không quay trở lại nhà chồng. Cuối cùng, sau khi cả bà và Đan cùng thuyết phục, bố mẹ em chỉ đồng ý cho em ở lại nhà khi… thầy cúng nói rằng Đan vắn số nếu tiếp tục ở với nhà trai.
Nghị lực phi thường
“Cũng may là anh ấy đánh em để gia đình em đỡ phải trả lại quá nhiều tiền sính lễ”, Đan vội quệt giọt nước mắt lăn trên má. Gia đình Đan cuối cùng đã thỏa thuận trả lại 20 triệu tiền sính lễ thay vì 48 triệu đã nhận ban đầu.
Thoát khỏi cuộc hôn nhân ép buộc, Đan lại đối mặt với những thử thách mới. Gia đình đã khó khăn nay lại càng khó khăn hơn: mẹ và hai anh trai đi làm ăn xa, ở nhà, Đan vừa làm nương, vừa gánh vác mọi công việc trong gia đình. Bố con ở nhà cũng không tránh khỏi những lúc bất hòa. Bố vẫn thỉnh thoảng trách móc và mắng em khi nhắc lại chuyện cưới xin đã qua.
Dù khó khăn là vậy, Đan vẫn muốn đi học trở lại. Em xin thầy cô giáo cho em đến trường vào học kì tiếp theo. Trong lúc đợi học kì mới, Đan tự học ở nhà để ôn lại những kiến thức cũ. Không những vậy, em còn xin đi làm ở gần nhà để có thêm thu nhập cho gia đình và bản thân.
Trở lại trường, Đan lại bị bạn bè xung quanh dị nghị, trêu chọc. “Các bạn không trải qua những thứ như em nên các bạn không hiểu,” Đan chia sẻ.
May mắn thay, Đan tìm được sự đồng cảm và giúp đỡ từ thầy cô giáo và cán bộ tại địa phương. Các thầy cô và cán bộ thôn, bản đã nhiều lần đến tận nhà, trò chuyện với gia đình, bạn bè, người dân xung quanh để giúp mọi người hiểu hơn về hoàn cảnh của em, về những hệ lụy của tảo hôn.
Đan dần lấy lại được tự tin trên lớp. Không chỉ giúp bạn bè xung quanh trong việc học tập, Đan nhận ra em còn có thể làm nhiều điều hơn nữa.
Vững bước về tương lai
Đan nhận thấy xung quanh vẫn còn rất nhiều bạn trẻ đã tảo hôn và trải qua cuộc sống khó khăn như em từng có. Từ đó, Đan quyết tâm tham gia vào các hoạt động cùng Plan International tại cộng đồng để giúp đỡ bạn bè xung quanh hiểu thật rõ những hậu quả nặng nề của hủ tục tảo hôn và những biến tướng của tục kéo vợ. Tham gia vào những buổi đối thoại tại địa phương, hay dẫn dắt những sáng kiến truyền thông như sinh hoạt dưới cờ, diễn kịch, và làm phim ngắn bằng điện thoại, Đan mau chóng trở thành một người truyền lửa cho bạn bè xung quanh em.
“Em đã trải qua những ngày tháng rất tăm tối rồi, em không muốn bạn bè của mình phải trải qua điều tương tự,” Đan quyết tâm lên tiếng.
Câu chuyện của Đan là nguồn hi vọng cho những thay đổi tích cực hơn cho các em gái có hoàn cảnh giống như em. “Em sẽ tiếp tục đi học và tìm kiếm những cơ hội học ngoại ngữ. Em muốn sang nước ngoài làm việc, kiếm tiền để báo hiếu bố mẹ”.
Hành trình bền bỉ của Đan sẽ còn tiếp tục, không chỉ vì ước mơ của chính bản thân em mà còn vì những điều tốt đẹp hơn cho gia đình và cộng đồng.
—
*Tên nhân vật đã được thay đổi
Danh mục: Bảo vệ khỏi tình trạng bạo lực